Hoạt động đào tạo

Hội thảo Hoàn thiện và thống nhất chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng dựa trên chuẩn năng lực thực hành nghề nghiệp tại Đại học Y Hà Nội năm 2018

Hội thảo Hoàn thiện và thống nhất chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng dựa trên chuẩn năng lực thực hành nghề nghiệp tại Đại học Y Hà Nội

Ngày 26/4/2018 Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức “Hội thảo Hoàn thiện và thống nhất chuẩn đầu ra chương trình đào tạo điều dưỡng bậc đại học dựa trên chuẩn năng lực thực hành nghề nghiệp tại Đại học Y Hà Nội” với mục tiêu hoàn thiện và thống nhất chuẩn đầu ra chương trình đào tạo điều dưỡng bậc đại học để thực hiện chương trình mới từ tháng 9 năm 2018.

 

Tham dự hội nghị: TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo; Chuyên gia trong nước và đại diện Ban quản lý dự án HPET Trung ương; Lãnh đạo điều dưỡng trưởng của các bệnh viện của Trung ương và Hà Nội như Bệnh viện ĐHY Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện E, Bộ Nông Nghiệp, Saint Paul, Vimec... Đại diện của các Hội điều dưỡng, các trường đào tạo điều dưỡng.

Về phía Trường Đại học Y Hà Nội: GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng, phụ trách đào tạo đại học; Ban quản lý dự án HPET và Tổ thư ký; Ban chỉ đạo đổi mới đào tạo trường ĐHYHN, Lãnh đạo và Giáo vụ đại học Viện/Khoa/Bộ môn; Đại diện Lãnh đạo các Trung tâm/Phòng/Ban. Giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Khoa điều dưỡng-hộ sinh; Cựu sinh viên và sinh viên điều dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội.

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, khai mạc hội thảo, chỉ đạo mục tiêu của hội thảo và nhấn mạnh đây là một hoạt động then chốt cho chuỗi các hoạt động tiếp theo để xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cử nhân điều dưỡng dựa trên năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội. Ghi nhận quá trình làm việc chủ động, tích cực của nhóm nòng cốt trong thời gian qua để xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR) và chương trình đào tạo mới (CTĐT) của khoa Điều dưỡng Hộ sinh (ĐDHS). GS.TS. Nguyễn Hữu Tú cho rằng bên cạnh cách làm nghiêm túc, bài bản trong xây dựng CĐR, việc lấy ý kiến của các bên tham gia đào tạo và sử dụng lao động là hết sức cần thiết để hoàn thiện CĐR và chương trình đào tạo; ĐHY Hà Nội đã rất thành công thực hiện chương trình CNĐD tiên tiến với nhiều điều dưỡng sau khi tốt nghiệp đã thi đạt chứng chỉ hành nghề tại Đức và Châu Âu. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện đổi mới toàn bộ chương trình đào tạo CNĐD của Trường. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến các yêu cầu về tiến độ triển khai của dự án, nhưng Nhà trường cùng các Bộ môn sẽ tham gia tích cực, hỗ trợ tối đa Khoa ĐDHS để triển khai được quá trình đổi mới đúng theo yêu cầu.

 

GS.TS. Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội,
khai mạc hội thảo

 

TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Y tế, của Cục phát biểu chỉ đạo và chào mừng hội thảo. Trong phát biểu của mình, TS. Lợi đã nhấn mạnh rằng việc phát triển CĐR là một trong những hoạt động quan trọng có giá trị định hướng mọi hoạt động triển khai đào tạo. Lấy ví dụ về hoạt động đào tạo từ các quốc gia trong khu vực, ông cho rằng đổi mới đào tạo điều dưỡng là điều không thể né tránh và trì hoãn. Hiện Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc đề xuất các chính sách vĩ mô để vừa đảm bảo tính hội nhập và khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Hợp phần này của dự án HPET sẽ cung cấp các hỗ trợ cho đổi mới đào tạo điều dưỡng nhằm sẵn sàng cho Kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề, đáp ứng yêu cầu tại khung trình độ đào tạo được quy định trong QĐ 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng chính phủ và phù hợp với chỉ đạo “thành lập hội đồng y khoa” như đề cập trong nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25-10-2017. Ông chúc hội nghị được triển khai tích cực và hiệu quả để giúp Trường có những đổi mới thực chất và khả thi trong triển khai chương trình đào tạo điều dưỡng của Trường.

 

TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo, phát biểu
chỉ đạo và chào mừng hội thảo

 

BSCKII. Vũ Thị Hương, Phó trưởng khoa thường trực Khoa Điều dưỡng Hộ sinh, cám ơn các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội và sự tham gia của các hội thảo viên đến từ các đơn vị trong và ngoài Trường, thay mặt nhóm nòng cốt, BS Hương xin tiếp thu và hứa sẽ cân đối lại các nguồn lực hiện có để có thể xây dựng CĐR của Trường.

Trong tham luận đầu tiên, BS Hương đã lược qua về quá trình phát triển của đào tạo điều dưỡng tại Trường ĐHYHN, đặc biệt là trong giai đoạn bắt đầu xây dựng và phát triển bộ Tiêu chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam và sau đó là phát triển CTĐT tại Trường; nhắc lại các hỗ trợ liên tục và toàn diện của chuyên gia quốc tế và sự phối hợp của các trường đào tạo điều dưỡng trong cả nước, đặc biệt là các trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Việc tham gia hợp phần 1 của dự án HPET cùng với một loạt các trường đào tạo điều dưỡng khác tại VN là một cơ hội. Mục tiêu chính của hợp phần này là: Đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng điều dưỡng dựa trên năng lực hành nghề và theo hướng hội nhập. Mặc dù hiện tiến độ của dự án đã bị chậm ít nhiều do các khó khăn trong về thủ tục hành chính, song Khoa ĐDHS sẽ cố gắng tối đa hoàn thiện CĐR đáp ứng được nhu cầu đổi mới.

 

BSCKII. Vũ Thị Hương, Phó trưởng khoa thường trực Khoa Điều dưỡng Hộ sinh

 

TS. Trương Quang Trung, trình bày về triết lý xây dựng chương trình nhằm cải thiện chất lượng của CTĐT hiện tại tại Trường ĐHYHN nói riêng và CTĐT điều dưỡng tại Việt Nam nói chung. TS. Trung cũng đã thẳng thắn đề cập đến các hạn chế hiện tại như: thiếu định hướng thực tiễn và hành động, chưa quan tâm đến giao tiếp chuyên nghiệp, chưa giúp sinh viên có khả năng tiếp cận toàn diện và chưa quan tâm đến năng lực làm việc đội nhóm. Qua bài trình bày, TS Trung cũng đã đề cập đến một loạt các triết lý quan trọng trong xây dựng CĐR và CTĐT mới của trường Đại học Y Hà Nội đó là: (1) Dựa trên chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực, (2) Tích hợp tối đa, loại bỏ chồng chéo, (3) Giảm tải nội dung theo hướng “chuyên ngành”, tăng cường tiền lâm sàng và lâm sàng thiết yếu, (4) Tạo điều kiện tiếp cận với lâm sàng sớm, (5) Chú trọng ngoại ngữ, NCKH và tính chuyên nghiệp. Đây là những tham vọng vô cùng lớn của Khoa, để có thể đạt được chắc chắn cần sự vào cuộc của cả hệ thống đào tạo không chỉ của Nhà trường mà còn của các cơ sở thực hành, đơn vị sử dụng lao động điều dưỡng và nỗ lực của sinh viên điều dưỡng.

TS. Trương Quang Trung, trình bày về triết lý xây dựng chương trình nhằm cải thiện
chất lượng của CTĐT

BSCK II. Vũ Thị Hương, tiếp tục trình bày về CĐR của trường với chín 9 CĐR chính. Các CĐR này được phát triển dựa trên nền tảng của 8 CĐR mà dự án HPET đã gợi ý cho tất cả các trường tham gia, do đó đảm bảo thuận lợi trong liên thông, so sánh ở quy mô quốc gia. Bên cạnh đó, bộ CĐR này cũng tham chiếu với bộ Tiêu chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam, các CĐR của một số nước trong khu vực trong đó có Singapore (là một nước có hệ thống đào tạo gần cận với các tiêu chuẩn châu Âu) và Phillippine (là nước có nhiều thành tựu trong việc đào tạo ra các điều dưỡng đủ năng lực làm việc tại Hoa Kỳ. Trong tham luận này, BS Hương đã dành thời gian phân tích từng CĐR và các tiêu chí đánh giá từng CĐR trước hội nghị.

 

 

Phần thảo luận do GS.TS. Nguyễn Hữu Tú và BSCK II. Vũ Thị Hương chủ trì đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia dự án HPET và các hội thảo viên. Nhiều ý kiến tâm huyết đã được chia sẻ và phân tích một cách cởi mở và đạt được đồng thuận cao. Đại diện các cơ sở phối hợp đào tạo, đồng thời là đơn vị tiếp nhận các lao động điều dưỡng đã có nhiều ý kiến tâm huyết như TS. Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Điều dưỡng ngoại khoa; ThS. Trần Văn Oánh, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Việt Đức; Ths.Phan Thị Kim Thuỷ, chuyên gia trong nước; đại diện BV Bạch Mai, BV Thanh Nhàn, BV Saint Paul, BV Vinmec...Đây là các đóng góp vô cùng giá trị cho ban soạn thảo để hoàn thiện CĐR. Các đại biểu đều kì vọng điều dưỡng được đào tạo từ ĐHYHN sẽ có năng lực đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam và hội nhập quốc tế. Từ phía đại biểu của Trường, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, PGS.TS. Lê Đình Tùng, PGS.TS. Nguyễn Quang Dũng đã có nhiều góp ý cho ban soạn thảo về các triết lý xây dựng CĐR, CTĐT, các vấn đề kĩ thuật khi xây dựng CĐR, các nội dung cần nghiên cứu bổ sung vào các tiêu chí của các CĐR.

Thay mặt Khoa điều dưỡng hộ sinh, GS.TS Nguyễn Hữu Tú đã cảm ơn toàn thể hội thảo viên trong và ngoài trường đã tham dự hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đồng thời chỉ đạo cho nhóm nòng cốt của khoa ĐDHS cầu thị và mạnh dạn chỉnh sửa để đạt được nội dung chuẩn đầu ra phù hợp nhất. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với sự đồng thuận cao về chuẩn đầu ra của chương trình mới đào tạo cử nhân điều dưỡng. Mặc dù còn nhiều công việc phải làm song qua hội thảo này có thể thấy Khoa ĐDHS không hề đơn độc trong quá trình đổi mới đào tạo.

Phát biểu của ĐDCK1. Phan Tuệ Khanh, Điều dưỡng trưởng khối phòng Điều dưỡng - bệnh viện Thanh Nhàn

 

Phát biểu của PGS.TS. Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học
- Trường Đại học Y Hà Nội

 

Phát biểu của ThS. Trần Văn Oánh, Trưởng phòng Điều dưỡng
- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Phát biểu của TS. Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc phát triển chương trình Điều dưỡng
- Đại học VinUni

 

LIÊN KẾT

Hệ thống bài giảng điện tử
eLearning HMU
CME HMU
Hệ thống thư viện ảo
Bệnh viện Đại học Y

HỘI NGHỊ